UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI, DU LỊCH

BA RIA - VUNG TAU INVESTMENT, TRADE AND TOURISM PROMOTION CENTER

Tổng quan Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ Sáu, 09/12/2022 - 15:46

Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Có đường địa giới chung dài 16,33 km với Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây; 116,51 km với Đồng Nai ở phía Bắc; 29,26 km với Bình Thuận ở phía Đông; Tỉnh tiếp giáp biển Đông với bờ biển dài 305,4 km và trên 100.000 km2 thềm lục địa. BR-VT có vị trí là cửa ngõ hướng ra biển Đông của các tỉnh trong khu vực, đồng thời là địa phương duy nhất của vùng Đông Nam Bộ hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí, cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ đủ tiềm năng phát triển tất cả các loại hình giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt và là một địa điểm trung chuyển đi các nơi trong nước và thế giới. Về cơ cấu tổ chức hành chính BR-VT gồm 05 huyện, 01 thị xã, 02 thành phố, trong đó thành phố Bà Rịa là Trung tâm Hành chính–Chính trị của tỉnh.

- Diện tích: 1.989,56 km2.

- Dân số (2021): 1.176.078 người, mật độ dân số 593 người/ km2

- GRDP đầu người (2021): 12.154,2 USD/người, mật độ dân số 593 người/ km2

- Lao động (2021): Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 589.192 nghìn người

Khí hậu: Bà Rịa–Vũng Tàu thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 27°C, số giờ nắng trung bình 2.400 giờ, lượng mưa trung bình 1.500mm, đặc biệt Bà Rịa–Vũng Tàu là một tỉnh nằm trong vùng ít có bão.

* Cơ sở hạ tầng:
Đường bộ: Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong khu vực thông qua Quốc lộ 51, Quốc lộ 55, Quốc lộ 56. Trong thời gian tới sau khi đầu tư hoàn thành các tuyến cao tốc Bến Lức - TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cầu Phước An sẽ kết nối đồng bộ với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nam bộ. 

Ngoài ra, tỉnh cũng đang đầu tư xây dựng một số tuyến đường trọng điểm khác như đường 991B, đường Phước Hoà – Cái Mép, đường vào Khu công nghiệp (KCN) Dầu khí Long Sơn, đường Long Sơn – Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân, đường ĐT991 nối dài, đường ĐT992 đoạn từ Quốc lộ 51 đến đường Vành đai 4 TP.HCM, đường ven biển (tỉnh lộ 994) Vũng Tàu đi Bình Châu, đường kết nối với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu từ quốc lộ 56 đoạn tránh thành phố Bà Rịa đến vòng xoay đường 3/2 thành phố Vũng Tàu sẽ kết nối các khu vực kinh tế quan trọng của tỉnh với các tuyến cao tốc, đường quốc lộ và kết nối với mạng lưới giao thông đường bộ quốc gia.

Đường thủy: Hệ thống luồng hàng hải trên địa bàn tỉnh kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế đến tất cả các nước có cảng biển trên thế giới. Hệ thống luồng tuyến đường thủy nội địa kết nối đồng bộ với các tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải, luồng sông Dinh và dễ dàng kết nối với các tỉnh thành khác trong khu vực như Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Tây Nam bộ. Tuyến luồng đi Côn Đảo đã được kết nối khai thác các tuyến từ Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng (bến Trần Đề) ra Côn Đảo bằng tàu cao tốc.

Cảng: Cảng biển BR-VT là hệ thống cảng biển đặc biệt, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2022. Hiện tại, BR-VT đã quy hoạch 69 dự án, có 50 dự án cảng đang hoạt động. Tổng chiều dài cầu bến là 16.958 m, với tổng công suất thiết kế 150 triệu tấn/năm, trong đó có 08 dự án cảng container lớn với công suất 8,3 triệu TEUs/năm. Cụm cảng Cái Mép là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được siêu tàu lớn nhất hiện nay. Hệ thống cảng biển nước sâu tạo ưu thế cho phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp và thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. 

Cảng hàng không: BR-VT có 2 sân bay đang khai thác, gồm: Cảng hàng không Côn Đảo với đường bay thẳng đến các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng; Sân bay Vũng Tàu phục vụ dầu khí và phục vụ một số chuyến ra Côn Đảo vào các ngày cuối tuần. Trong thời gian tới Tỉnh sẽ thực hiện di dời sân bay Vũng Tàu sang khu vực Gò Găng và đầu tư xây mới sân bay Đất Đỏ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Khu công nghiệp: Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp, với tổng diện tích 8.492 ha; trong đó, có 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 7.242 ha và 2 khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa hoạt động đó là khu công nghiệp Long Hương, khu công nghiệp Vạn Thượng với tổng diện tích 1.250 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 57,07% trên tổng số khu công nghiệp (15 khu công nghiệp) và 67,84% trên số khu công nghiệp đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng (13 khu công nghiệp).

Cụm công nghiệp: Toàn tỉnh quy hoạch phát triển 17 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 552,65 ha. Trong đó, 08 cụm do doanh nghiệp đầu tư, 6 cụm do nhà nước đầu tư, 01 cụm do cả nhà nước và doanh nghiệp đầu tư, 02 cụm đang kêu gọi đầu tư. Hiện tại đã có 6 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tỉ lệ lấp đầy 65,36%.

Nông nghiệp công nghệ cao: Tính đến tháng 10 năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 352 cơ sở sản xuất, trồng, với diện tích 5.648 ha; 127 trang trại nuôi heo, gia cầm với tổng diện tích 515 ha; 19 cơ sở nuôi hải sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

3. Tài nguyên thiên nhiên 

Du lịch: Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh ven biển vừa có bờ biển dài, bãi cát thoải và sạch, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài những di tích lịch sử, văn hóa lễ hội đặc sắc, còn được thiên nhiên ưu đãi với: khoảng 306km chiều dài bờ biển, trong đó có khoảng 156km có thể dùng làm bãi tắm; có rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu với hệ động thực vật phong phú và nguồn suối khoáng nóng tự nhiên; Tỉnh có Núi Dinh, núi Minh Đạm… có thể khai thác du lịch. Đặc biệt huyện Côn Đảo của Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là một huyện đảo với 16 đảo nhỏ hội tụ đầy đủ tiềm năng thiên nhiên và yếu tố nhân văn để phát triển du lịch.

Đất: Bà Rịa-Vũng Tàu có 09 trong tổng số 12 nhóm đất của toàn quốc, ngoại trừ các nhóm đất trên núi cao. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu có đủ tất cả các nhóm đất hiện diện ở vùng Đông Nam Bộ, trong đó có cả những nhóm đất được xếp vào loại đất tốt nhất trong các đất đồi núi ở Việt Nam, là các đất trên đá bazan và các đất tốt nhất ở vùng đồng bằng là đất phù sa.

Thuỷ sản: Với lợi thế là một tỉnh ven biển nên việc khai thác và nuôi trồng thủy sản có rất nhiều thuận lợi. Ưu điểm này không chỉ có khả năng tạo ra đột phá kinh tế, mà còn góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản.

Khoáng sản: Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều loại tài nguyên khoáng sản, trong đó nhiều nhất là dầu mỏ, khí thiên nhiên và khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trữ lượng dầu khí đã xác minh có khoảng 400 triệu m3 dầu, chiếm 93,29% trữ lượng dầu cả nước; trữ lượng khí trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2 % trữ lượng khí cả nước. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng đa dạng bao gồm: đá xây dựng, đá ốp lát, phụ gia xi măng, cát thủy tinh, bentonit, sét gạch ngói, cao lanh….

Tài nguyên rừng: Diện tích đất có rừng 28.549,27 ha, trong đó rừng tự nhiên 16.464,70 ha,  rừng trồng 12.084,87 ha. Độ che phủ của rừng năm 2021 đạt 13,79%.

* Định hướng thu hút đầu tư:

Để phát huy hiệu quả những lợi thế, tiềm năng nhằm tạo động lực thúc đẩy cho 04 trụ cột kinh tế công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số doanh nghiệp địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết, liên doanh với các tập đoàn kinh tế lớn.


Đánh giá:
EMC Đã kết nối EMC